Cập nhật : 15:33 Thứ bảy, 15/7/2023
Lượt đọc: 102

Bài tuyên truyền phòng chống bệnh chân, tay, miệng ở trẻ nhỏ

Ngày ban hành: 15/7/2023Ngày hiệu lực: 15/7/2023
Nội dung:
 

Tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Tại Việt Nam bệnh Tay, chân, miệng nằm trong 10 bệnh dẫn đầu về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm cần khai báo. Mỗi năm có khoảng từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc bệnh Tay, chân, miệng được báo cáo, trong đó có một số trường hợp tử vong. Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh... Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc kháng vi rút và điềutrị đặc hiệu.

Người mắc bệnh Tay, chân, miệng thường có biểu hiện: sốt, sưng miệng, nổi ban có bọng nước. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi và sưng họng. 1-2 ngày sau có những chấm đỏ có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má. Các tổn thương trên da cũng xuất hiện sau 1-2 ngày, biểu hiện là các vết đỏ, có thể có bọng nước, không ngứa và thường nằm ở lòng bàn tay, gan bàn chân.

 Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh Tay, chân, miệng nguy hiểm có nguy cơ bùng phát, Trường mầm non Liên Am kính đề nghị các bậc phụ huynh và các đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường  thực hiện tốt một số khuyến cáo của Bộ y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, cụ thể như sau:

+ Thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay và chơi đồ chơi sạch.

+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày ( cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/ cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

+ Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được sạch sẽ trước khi sử dụng ( tốt nhất là ngâm tráng nước sôi), đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

+ Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

+ Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

+ Cách ly trẻ bị bệnh tại nhà; không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên bị bệnh. Để các dụng cụ lau và tiệt trùng xa tầm tay với của trẻ.

+ Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đề nghị  các bậc phụ huynh toàn thể giáo viên  khi phát hiện trẻ mắc bệnh Tay, chân, miệng hoặc có các biểu hiện nghi mắc bệnh Tay, chân, miệng thông báo ngay cho Trạm y tế xã Liên Am để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời. Các đồng chí giáo viên thường xuyên kiểm tra tay, chân, miệng của trẻ trong thời gian ở trường và thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng nhóm, đồ dùng, đồ chơi bằng dung dịch cloraminB ít nhất 2 lần /tuần.

 

 

Mầm non Liên Am